Giới thiệu tổ máy điện gió YnS-W-1000 sử dụng công nghệ mới của Nga : Công nghệ điện gió “2 lớp cánh đồng trục” được phát triển từ ý tưởng cánh quạt hai lớp trong máy bay quân sự tại Nga. Tổ máy phát điện chạy bằng sức gió YnS-W-1000, công suất 1.000 kW của Nga (Công ty TNHH Hệ thống Sáng tạo) với bằng sáng chế “Lắp đặt năng lượng gió” do Liên Bang Nga cấp số 2010113591/06 và đăng ký sáng chế quốc tế số PCT/RU2010/000751 “Lắp đặt năng lượng gió” của Giáo sư, Viện sĩ Anatoli Bakanov đã được Ông B.V Gusev Chủ tịch Viện Hàn Lâm Kỹ thuật Liên Bang Nga và Quốc tế phê duyệt chứng nhận kết quả thực nghiệm ngày 20/9/2010 (mô hình có công suất 35 kW).
Tổ máy điện gió YnS-W-1000 hiện nay chưa là sản phẩm thương mại. Vào tháng 4-2011, công nghệ điện gió YnS-W được đăng ký bằng độc quyền sáng chế tại Nga. Chỉ 2 tháng sau, Việt Nam đã tiếp cận loại công nghệ này, đồng thời ký kết với đối tác Nga theo dạng dự án tiếp cận công nghệ.
Bà Elena Tokhonova, Phó Giám đốc Công ty YnS – OCBM (đơn vị cung cấp công nghệ) khẳng định, công nghệ YnS-W có nhiều ưu điểm hơn hẳn so với công nghệ điện gió ba cánh hiện nay. Điểm đặc biệt đầu tiên nằm ở thiết kế. Với hai lớp cánh (5 cánh/lớp), tuabin sẽ lấy được nhiều gió hơn. Theo tính toán, hệ số sử dụng năng lượng gió đạt từ 0,6 – 0,8 (hệ số này của tuabin thông thường đạt từ 0,2 – 0,3), từ đó có thể tính toán được, với tuabin công suất 1MW, sản lượng điện trung bình hàng năm cao gấp 2,5 lần so với các công nghệ điện gió còn lại. Hơn nữa, tuabin YnS-W có thể hoạt động hết công suất với sức gió trung bình chỉ đạt từ 7-8m/giây (phổ biến tại Việt Nam). Mặt khác, tần số âm thanh của tuabin YnS-W khi hoạt động phát ra đạt từ 20-40Hz (tương tự tiếng xào xạc của lá cây), không gây tổn hại đến sức khỏe con người và môi trường xung quanh (công nghệ tuabin gió 3 cánh có tần số âm thanh từ 2-8Hz, gây tác động đến thần kinh và tâm ký con người).
Tổ máy điện gió YnS-W-1000 hiện nay chưa là sản phẩm thương mại. Nhằm triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế và tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới từ Liên Bang Nga. Cty TNHH Công nghệ mới Việt – Nga được thành lập theo Giấy chứng nhận đầu tư số 411022000682, do UBND Tp. HCM cấp ngày 14/6/2012, gồm 04 đơn vị thành viên góp vốn : Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn; Công ty TNHH Hệ thống Sáng tạo (phía Nga); Trung tâm thiết kế chế tạo thiết bị mới thuộc Sở KH&CN Tp.HCM; Công ty cổ phần EVN Quốc tế.
Cty TNHH Công nghệ mới Việt – Nga chủ trì triển khai dự án sản xuất thử nghiệm và lắp đặt 03 tổ máy điện gió YnS-W-1000. Thời gian thực hiện dự án 24 tháng (Từ 07/2012 đến 07/2014); Tổng vốn thực hiện dự án dự kiến 146 tỷ đồng, trong đó: Sở Khoa học và Công nghệ Tp.HCM hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp khoa học (không có thu hồi) 42 tỷ đồng, xấp xỉ 30 % tổng kinh phí thực hiện dự án theo Thông tư số 22/2011/TTLT-BTC-BKHCN ngày 21/02/2011 về việc hướng dẫn việc quản lý tài chính đối với các dự án sản xuất thử nghiệm được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí. Vốn thực hiện dự án còn lại 104 tỷ đồng của Cty TNHH Công nghệ mới Việt – Nga đầu tư. Các bước triển khai dự án, như sau:
+ Giai đoạn 1: Sản xuất thử nghiệm 3 tổ máy phát điện gió InS-W-1000 với công suất 3×1 MW tại Nga, lắp đặt 3 tổ máy phát điện gió tại xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận vào quý IV/ 2013.
+ Giai đoạn 2: Sau khi sản xuất thử nghiệm và lắp đặt kiểm tra các thông số về kỹ thuật, công nghệ thành công, tiếp tục sản xuất từ 30 – 50 tổ máy phát điện gió InS-W-1000 cũng tại Nga và định hướng lắp đặt tại Việt Nam.
+ Giai đoạn 3: Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, phía Nga – Công ty TNHH Hệ thống Sáng tạo sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất tổ máy phát điện gió InS-W-1000 cho Cty TNHH Công nghệ mới Việt – Nga đưa vào sản xuất với quy mô công nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh và Ninh Thuận.
Công nghệ điện gió “2 lớp cánh đồng trục” được phát triển từ ý tưởng cánh quạt hai lớp trong máy bay quân sự tại Nga. Tổ máy điện gió YnS-W-1000 sử dụng công nghệ mới của Nga sau khi sản xuất thử nghiệm, lắp đặt tại Ninh Thuận để kiểm tra các thông số kỹ thuật, nếu thành công sẽ mở ra cho Tp. HCM và Ninh Thuận một ngành sản xuất điện gió công nghệ cao, có tính cạnh tranh ưu việt và sẽ thay thế các tổ máy điện gió 3 cánh phổ biến hiện nay trên thế giới. Ngành năng lượng điện gió sẽ mở ra kỷ nguyên mới cạnh tranh cùng các dạng năng lượng truyền thống.