Nước biển dâng và hệ lụy với Việt Nam

Do ảnh hưởng của hiệu ứng nhà kính, nhiệt độ trái đất tăng làm cho các sông băng tan chảy, và mực nước biển dâng lên. Nước biển dâng sẽ làm nhấn chìm nhiều đảo và các tỉnh ven biển của các quốc gia bị ảnh hưởng. Trong đó, Việt Nam là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Theo kết luận của một dự án do Đại sứ quán Đan Mạch ở Việt Nam tài trợ, mực nước biển dâng cao theo như dự tính do trái đất ấm lên có thể gây ra những hậu quả thảm hại đối với cuộc sống và sức khỏe của người dân tại những vùng bị ngập lụt và có thể có những tác động sau đây:

▪ Gia tăng bão lụt tại các khu vực gần bờ hoặc các khu vực đảo
▪ Mất đất canh tác màu mỡ
▪ Diện tích bị nước mặn hoặc nước nợ xâm nhập tăng
▪ Mất đi tính đa dạng của hệ động và thực vật tại Việt Nam
▪ Các hệ sinh thái quan trọng biến mất do nước biển dâng cao

Theo tính toán của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) trong dự thảo “Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu”: Nếu mực nước biển dâng cao 1m, sẽ có khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển bị ngập. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị ngập trên 20% diện tích.

Theo dự thảo này, nếu mực nước biển dâng cao 1m, khoảng 10-12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP.

Vị trí các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập khi nước biển dâng 1m. Nguồn: Kịch bản nước biển dâng năm 2011, Viện khoa học Khí tượng thủy văn và Môi trường

Theo các kịch bản biến đổi khí hậu, vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm ở nước ta sẽ tăng khoảng 2,3 độ C; tổng lượng mưa hàng năm và lượng mưa mùa mưa tăng trong khi lượng mưa mùa khô lại giảm; mực nước biển có thể dâng khoảng từ 75cm-1m so với trung bình thời kỳ 1980-1999.

Triều cường tại TP.Hồ Chí Minh. Ảnh:Internet

Theo Tiến sĩ Jack Katzfey, chuyên gia nghiên cứu dự án dự tính khí hậu tương lai với độ phân giải cao cho Việt Nam nhận định: Nhiệt độ tại miền Bắc Việt Nam dự tính sẽ tăng từ 0,8 độ C đến 3,4 độ C vào năm 2050 và tiếp tục tăng đến cuối thế kỷ này. Cùng với đó, số ngày nóng sẽ tăng lên (trên 35 độ C) và có thể kéo dài trong nhiều ngày sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Đối với lượng mưa trung bình hằng năm, lượng mưa trên bảy vùng khí hậu có sự biến đổi, giao động trong khoảng từ 16% đến trên 36% . Trong khi đó, lượng mưa mùa hè có thể giảm ở hầu khắp các vùng lãnh thổ. Riêng khu vực Trung Bộ mưa lại có xu hướng tăng ở tất cả các mùa trong năm. Về hoạt động của các bão trên Biển Đông có xu thế giảm, nhưng cường độ có thể mạnh hơn và có thể gây ra các trận lũ quét, sạt lở đất, nhất là tại các tỉnh miền núi ở phía bắc, miền trung và Tây Nguyên. Kết quả của án dự tính khí hậu tương lai với độ phân giải cũng dự báo mực nước biển sẽ tiếp tục dâng lên từ 100mm đến 400mm vào giữa thế kỷ trên toàn dải bờ biển Việt Nam và sẽ tiếp tục được duy trì đến cuối thể kỷ 21, gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái và cộng đồng ven biển.

Tham khảo: Kịch bản nước biển dâng và Biến đổi khí hậu cho Việt Nam 2012

Để lại một bình luận