Ô nhiễm không khí trong nhà do đun nấu
Không có ống thoát khói nên nhiều nhà bếp bị ám khói từ trên trần xuống vách. Lá phổi con người không thể là ngoại lệ. Khói bếp là nguyên nhân gây đủ thứ bệnh, từ ung thư phổi tới đục thủy tinh thể và nhiều bệnh khác ở hệ hô hấp. Tiếc thay, nhưng người chết hay nhiễm bệnh vì ô nhiễm không khí trong nhà thuộc số bệnh nhân môi trường bị lãng quên. Trên 3 tỉ người trên thế giới vẫn phải nấu nướng bằng củi, than, phân bò, rơm rạ và những nhiên liệu rẻ tiền khác có nhiều khói thải độc hại, là nguyên nhân thứ 4 tác hại xấu đến sức khỏe con người ở các nước ngèo.
Gian bếp không khói bụi là thủ phạm gây ra cái chết cho hàng triệu phụ nữ và trẻ em mỗi năm
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, khói độc từ các bếp lò là một trong số năm nguy cơ cho sức khoẻ hàng đầu tại các nước đang phát triển, làm chết non gần 4 triệu người trên toàn thế giới mỗi năm, trong đó phụ nữ và trẻ em bị ảnh hưởng nhiều nhất. Ở châu Á, Afghanistan, Pakistan, Bangladesh, Ấn Độ và Lào là những nước có nhiều người chết vì ô nhiễm trong nhà nhất, với hơn 500.000 ca tử vong mỗi năm. Tại Ấn Độ, nhiều ngôi nhà có luợng khói thải cao gấp 40 lần mức cho phép của WHO. Khi đang đun nấu, con số này còn cao hơn. Các bà mẹ và trẻ em bị ảnh hưởng nhiều nhất vì họ thường sinh hoạt trong nhà, thậm chí nhiều bà mẹ bế con khi đun nấu, phơi bày phổi đứa bé cho khói thải tràn vào.
Tầng lớp nghèo phải sinh sống trong điều kiện chật hẹp và phải sử dụng những loại nhiên liệu thô sơ rẻ tiền, là nạn nhân đầu tiên của nạn ô nhiễm trong nhà. Họ không có điều kiện tiếp cận với các loại nhiên liệu sạch hay hệ thống dẫn, lọc khí thải. Nhưng ngay khi sống tại thôn quê với khoảng không gian lớn để nấu nướng, người nghèo cũng thường nấu bếp ngay trong nhà để tiện sinh hoạt. Theo tính toán của các chuyên viên, trong 100 năm tới, thế giới vẫn tiếp tục chứng kiến những cái chết do ô nhiễm trong nhà. “Nhiều người không biết là họ đang sống chung với khói thải trong nhà, và tác hại của nó có khi gấp 10 lần khói bụi ngoài đường phố” – Eva Rehfuess, chuyên viên của Partnership for Clean Indoor Air thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói. Ngay cả WHO cũng ngạc nhiên về tác hại qui mô của vấn đề.
Mới đây, tạp chí Lancet có một loạt bài nói về tương quan giữa sức khỏe và sử dụng năng lượng, trong đó nhấn mạnh khả năng giảm khói thải trong nhà đến 50% nếu biết xây dựng những lò nấu có ống thoát khói đúng cách. Năm 2002, lần đầu tiên WHO nghiên cứu sâu về vấn nạn ô nhiễm trong nhà. Bản báo cáo World Health Report xếp hạng khói thải trong nhà nguy hiểm cho sức khỏe con người chỉ sau nước bẩn và mất vệ sinh, là các nguy cơ môi trường lớn nhất tại những nước đang phát triển. Báo cáo chỉ ra, ô nhiễm trong nhà do đun nấu có thể cao gấp 10 lần mức ô nhiễm tại các thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Vào năm 2002, ước tính có gần 2/3 trường hợp tử vong ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có liên quan đến việc sử dụng nhiên liệu rắn để nấu nướng.
Hơn nữa, việc sử dụng củi, than hoa, rơm và trấu làm nguyên liệu đốt cũng làm tăng tình trạng phá rừng, suy giảm môi trường sống, tăng áp lực lên các nguồn tài nguyên tự nhiên của địa phương. Các bếp lò kém hiệu quả cũng góp phần gia tăng biến đổi khí hậu, do chúng thải ra môi trường muội các-bon và các khí nhà kính như CO2 và mê-tan.
Liên minh bếp sạch toàn cầu
Liên minh bếp sạch toàn cầu (Global Clean Cookstove Alliance-GACC) là một chương trình đối tác công-tư do Quỹ Liên hiệp quốc (UNF) tổ chức nhằm xây dựng một thị trường vững mạnh trên toàn cầu cho các giải pháp sạch và hiệu quả về nấu ăn gia đình, với mục đích đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, cải thiện sinh kế, trao quyền cho phụ nữ, và ứng phó biến đổi khí hậu. Sáng kiến này của Liên hợp quốc đã nhận được sự ủng hộ của hơn 175 quốc gia, quỹ tài trợ, doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ với mục tiêu đến năm 2020 có 100 triệu gia đình sử dụng bếp “sạch”. Cam kết tài chính ban đầu từ phía Hoa Kỳ cho Liên minh là 50,82 triệu đô-la cho 5 năm tới.
Nguồn tham khảo:
- Indoor Air Pollution Widespread in Asia của MARGIE MASON, AP
- NEW STUDY ESTIMATES 4 MILLION DEATHS FROM HOUSEHOLD COOKING SMOKE EACH YEAR
- Hoa Kỳ tham gia nỗ lực toàn cầu nhằm khuyến khích sử dụng bếp lò sạch với mục tiêu “100 triệu hộ gia đình sử dụng đến năm 2020”
- Khói bếp – sát thủ thầm lặng
- Ô nhiễm không khí – Từ trong nhà ra ngoài đường phố – Báo ảnh Đất Mũi