Cho vay tín dụng các dự án Năng lượng tái tạo từ nguồn vốn EIB

Kính gửi: Các Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng nhận được công văn số 527/HPT.ĐNG-TH ngày 27 tháng 7 năm 2013 của Ngân hàng Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Đà Nẵng v/v hạn mức tín dụng nhằm giảm thiểu tác động của thay đổi khí hậu do EIB tài trợ năm 2012, theo đó, nội dung liên quan đến việc cho vay lại khoản tín dụng môi trường cho Việt Nam của Ngân hàng đầu tư Châu Âu (EIB) được quy định cụ thể như sau:

1. Đối tượng vay vốn

1.1. Lĩnh vực vay vốn

Các dự án thực hiện tại Việt Nam, được đầu tư nhằm giảm thiểu tác động của thay đổi khí hậu quy mô nhỏ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và sử dụng hiệu quả năng lượng, cụ thể:

– Các dự án được đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo: thủy điện; phong điện; quang điện; địa nhiệt; năng lượng sinh khối.

– Các dự án được đầu tư trong lĩnh vực sử dụng hiệu quả năng lượng:

+ Sử dụng hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà;

+ Sử dụng hiệu quả hệ thống đồng phát năng lượng nhiệt điện;

+ Tăng cường sử dụng hiệu quả năng lượng và giảm khí thải nhà kính trong các khu công nghiệp.

Tiêu chí kỹ thuật và kinh tế đối với các lĩnh vực cụ thể được nêu chi tiết tại Phụ lục số 01 kèm theo.

1.2. Loại hình dự án

– Dự án mới;

– Dự án đang đầu tư dở dang, hoặc hoàn thành sau thời điểm tháng 11/2012 thuộc các lĩnh vực cho vay tại điểm 1.1 nêu trên và đã được vay vốn tín dụng đầu tư (viết tắt TDĐT) của Nhà nước tại Ngân hàng Phát triển.

2. Điều kiện vay vốn

2.1. Đối với dự án đầu tư

– Thuộc đối tượng vay vốn quy định tại Mục 1 nêu trên;

– Có tổng mức đầu tư không vượt quá 25 triệu EUR;

– Được Ngân hàng Phát triển thẩm định phương án tài chính, phương án trả nợ vốn vay và chấp thuận cho vay;

– Được EIB chấp thuận tài trợ từ khoản tín dụng môi trường cho Việt Nam;

– Thực hiện trình tự và thủ tục quản lý đầu tư và xây dựng, thủ tục đấu thầu theo quy định của Nhà tài trợ và quy định hiện hành của Nhà nước Việt Nam.

– Thuộc danh mục vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước theo Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 của Chính phủ về TDĐT và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước (trường hợp dự án vay vốn đối ứng từ nguồn vốn TDĐT).

2.2. Đối với Chủ đầu tư

– Là các doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp;

– Đảm bảo được vốn đối ứng tối thiểu 30% tổng mức vốn đầu tư của dự án; trong đó, vốn tự có tham gia đầu tư tối thiểu bằng 20% tổng mức vốn đầu tư của dự án. Riêng các dự án điện độc lập, vốn tự có tối thiểu là 30% tổng mức vốn đầu tư.

3. Điều kiện tín dụng

– Đồng tiền cho vay là đồng Việt Nam (VND);

– Mức vốn cho vay: tối đa 70% tổng mức vốn đầu tư trước thuế của dự án bao gồm vốn EIB và vốn tín dụng đầu tư; trong đó, mức vốn EIB cho vay: tối đa 50% tổng mức đầu tư trước thuế của dự án, nhưng không quá 12,5 triệu EUR;

Mức vốn cho vay nằm trong giới hạn tín dụng NHPT áp dụng với Chủ đầu tư theo quy định hiện hành (mức vốn cho vay tối đa đối với mỗi Chủ đầu tư không được vượt quá 15% vốn điều lệ thực có của NHPT).

– Giá trị hợp đồng thương mại được đầu tư bằng vốn EIB (chỉ áp dụng đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, không áp dụng đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực sử dụng hiệu quả năng lượng):

+ Giá trị các hợp đồng xây lắp được đầu tư bằng vốn EIB có giá trị không quá 5.000.000 EUR/hợp đồng;

+ Giá trị các hợp đồng mua sắm hàng hóa, dịch vụ, thiết bị được đầu tư bằng vốn EIB có giá trị không quá 400.000 EUR/hợp đồng.

– Thời hạn cho vay: phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh, khả năng thu hồi vốn của từng dự án, nhưng tối đa không quá 12 năm; trong đó, thời hạn ân hạn được xác định theo thời gian xây dựng của dự án, nhưng tối đa không quá 03 năm. Thời hạn cho vay, thời hạn ân hạn được tính từ ngày giải ngân đầu tiên.

– Lãi suất cho vay: tại thời điểm hiện nay là 12%/năm. Mức lãi suất này có thể thay đổi theo thông báo của NHPT và được áp dụng cho toàn bộ dư nợ vay tại thời điểm thông báo.

– Lãi phạt quá hạn: 150% lãi suất vay trong hạn tại thời điểm chuyển quá hạn tính trên số nợ quá hạn (gốc, lãi).

– Tài sản bảo đảm tiền vay:

+ Toàn bộ tài sản hình thành từ vốn vay và vốn tự có;

+ Tài sản bảo đảm bổ sung: do NHPT quyết định đối với từng dự án cụ thể.

4. Quy định về đấu thầu đối với các doanh nghiệp vay vốn

Việc mua sắm thiết bị, dịch vụ, thực hiện các hạng mục công việc của dự án vay vốn được được tuân thủ theo Luật đấu thầu Việt nam. Riêng Chủ đầu tư là các doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, việc đấu thầu đối với các hạng mục dự án thực hiện theo hình thức đấu thầu quốc tế: theo thủ tục đấu thầu mở và hạn chế được đăng tải trên OJEU (Công báo của liên minh Châu Âu).

Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng thông báo đến các Chủ đầu tư có nhu cầu đầu tư dự án thuộc đối tượng vay vốn nêu trên, tiến hành đăng ký vay vốn EIB cho dự án tại Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Đà Nẵng. Nếu gặp vướng mắc, đề nghị Chủ đầu tư liên hệ phòng Tổng hợp thuộc Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Đà Nẵng, địa chỉ: 74 Quang Trung- Đà Nẵng; điện thoại: 0511.3.830.572, Fax: 0511.3.830.577 để được tư vấn thêm./.

Công văn chi tiết CV1398.pdf

Nguồn: http://dpi.danang.gov.vn/node/2754

Để lại một bình luận