Nhật Bản: Khủng hoảng điện hạt nhân vẫn tiếp diễn

Nhật Bản hôm nay 3/9 đã phải dừng một trong hai lò phản ứng hạt nhân cuối cùng còn lại do sự giận dữ của công chúng. Trong khi đó việc xử lý sự cố tại nhà máy điện Fukushima rất khó khăn khi nước này có thể phải xả nước nhiễm xạ ra biển.
Theo hãng tin AFP, sáng nay một lò phản ứng hạt nhân đã bị tách khỏi lưới điện của Nhật và giữa tháng này, lò phản ứng cuối cùng còn lại cũng sẽ bị dừng hoạt động vô thời hạn do sự phản đối của công chúng đối với điện hạt nhân.

Việc khắc phục sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima vẫn chưa hoàn tất

Công ty điện lực Kansai đã bắt đầu giảm phát điện tại đơn vị số 3 tại nhà máy Oi, thuộc khu vực tỉnh Fukui, phía Tây Nhật Bản trong chiều qua, trước khi dừng hoàn toàn hoạt động nhà máy này trong sáng sớm nay, một quan chức công ty này cho biết.

Việc ngừng hoạt động nhà máy này nhằm cho phép công ty trên chuẩn bị sẵn sàng cho các đợt thanh tra theo quy định của pháp luật trong vòng 13 tháng sau khi phát điện thương mại.

Đây là một trong hai lò phản ứng cuối cùng vẫn còn phát điện tại Nhật. Lò phản ứng còn lại, đơn vị số 4 tại Oi, dự kiến cũng sẽ ngừng hoạt động vào ngày 15/9.

Hiện chưa rõ khi nào các lò này sẽ được hoạt động trở lại, bởi việc đánh giá các lò này sẽ được thực hiện theo một quy chuẩn mới được ban hành bởi cơ quan giám sát hạt nhân, công ty điện lực Kansai cho biết.

Trước đó, các lò phản ứng này đã được tái khởi động, bất chấp sự phản đối của công chúng, hồi tháng 7 năm ngoái, sau khi vượt qua được các đợt kiểm tra an toàn, chấm dứt một quãng thời gian ngắn không có nhà máy điện hạt nhân nào phát điện tại Nhật.

Đây là những lò phản ứng duy nhất được hoạt động trở lại sau thảm họa động đất và sóng thần tháng 3/2011 tại Fukushima. Trận động đất mạnh 9,0 độ richter kèm theo sóng thần đã khiến hệ thống làm mát bị hư hỏng, làm các thanh nhiên liệu bị tan chảy và gây rò rỉ phóng xạ.

Cho đến nay, việc khắc phục hậu quả tại Fukushima vẫn đang rất khó khăn. Trong ngày hôm qua, người đứng đầu cơ quan giám sát điện hạt nhân của Nhật cho biết nước nhiễm xạ tại nhà máy này phải bị đổ ra biển, và cảnh báo việc nhà máy vẫn còn rất mong manh với nhiều rủi ro.

Người dân tỉnh Fukui biểu tình phản đối tái khởi động nhà máy điện hạt nhân

Ông Shunichi Tanaka, chủ tịch của Cơ quan giám sát hạt nhân khẳng định công ty điện lực Tokyo (TEPCO) không thể cất trữ một lượng nước làm mát khổng lồ tại nhà máy vô thời hạn.

“Tôi e rằng việc thải số nước này ra biển là không thể tránh khỏi”, sau khi nó được làm sạch đến mức được thừa nhận là an toàn theo các tiêu chuẩn quốc tế, ông Tanaka cho biết trong một cuộc họp báo.

TEPCO từ lâu đã gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý lượng nước khổng lồ được dùng để làm mát các lò phản ứng sau thảm họa tháng 3/2011.

Các quốc gia láng giềng và ngư dân địa phương đã bày tỏ sự lo ngại về nguồn nước thải của nhà máy, nơi nước nhiễm bẩn được cho là đã thoát ra biển.

“Tình hình tại Fukushima đang thay đổi từng ngày”, Tanaka nói. “Fukushima Daiichi có nhiều rủi ro khác nhau. Sự cố này vẫn chưa thể được giải quyết”.

Hôm Chủ nhật vừa qua, TEPCO cho biết đã tìm thấy nước với độ nhiễm xạ cao chảy từ một đường ống nối hai bồn chứa nước làm mát tại một trong 4 điểm nóng về phóng xạ.

Lên án sự “bất cẩn trong quản lý” nguồn nước nhiễm bẩn của TEPCO, ông Tanaka khẳng định “chúng tôi cần đưa cho họ những chỉ dẫn rất nghiêm ngặt”.

Tờ Nikkei cho biết chính phủ Nhật đang dự định chi ít nhất 40 tỷ Yên (402,6 triệu USD) để kiểm soát rò rỉ nước nhiễm xạ tại nhà máy Fukushima Daiichi. Dự kiến các biện pháp giải quyết khủng hoảng này sẽ được công bố trong hôm nay.

Nguồn: Thanh Tùng / Dân Trí

Để lại một bình luận