Công ty Trường Thành Việt Nam đầu tư dây chuyền sản xuất pin mặt trời?

Theo thông tin trên trang web của công ty Trường Thành Việt Nam, nhận lời mời từ các đối tác, từ ngày 29/11 đến ngày 06/12/2017, Ban lãnh đạo Công ty Cô phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam (TTVN Group) do ông Đặng Trung Kiên, Chủ tịch HĐQT dẫn đầu cùng lãnh đạo các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Ngãi đã thăm và làm việc với các đối tác hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, xây dựng và lắp đặt dây chuyền sản xuất hệ thống Pin năng lượng mặt trời, gồm: Công ty Ecoprogetti (địa chỉ Via dell'Industria e dell'Artigianato, 27/C, 35010 Carmignano di Brenta – Italy) và Tập đoàn Univergy (địa chỉ Serrano 41, 7º Dcha -28001- Madrid, Tây Ban Nha).

Trong buổi lễ kỷ niệm 5 năm thành lập, ngày 19/12/2017, các đối tác nước ngoài sau cũng tới tham dự: Ông Domenico Sartore, Chủ tịch – Nhà sáng lập Tập đoàn Ecoprogetti; Ông Kenta Kagikawa – Chủ tịch Univergy; Ban lãnh đạo tập đoàn Bamboo Capital, tập đoàn Videc; đại diện các tập đoàn kinh tế như: Trina Solar, Enel, Wattkraft, Sumitomo forest, Kumagai Gumi, Seoul Semiconductor… 

Trong một thông tin khác trên tạp chí PV-Magazine, công ty Ecoprogetti của Ý cho biết họ đang hỗ trợ cho một nhà đầu tư Việt Nam lắp đặt dây chuyền sản xuất pin mặt trời công suất 250MW, dự kiến được lắp đặt vào tháng 6 năm 2018. Hợp đồng đã được ký kết và đơn đặt hàng đã được xác nhận bởi nhà đầu tư Việt Nam hôm 22/2/2018.

Dây chuyền sản xuất có thể sản xuất 130 mô-đun / giờ, nếu đạt 99% công suất. Laura Sartore, Giám đốc điều hành của Ecoprogetti, nói với PV-Magazine : "Dây chuyền này sẽ sản xuất các tấm pin loại glass-backsheet * tiêu chuẩn với 5-6 bus bars .

Bà cũng đề cập rằng dây chuyền này có khả năng sản xuất tấm pin loại glass-glass **, nhưng nó phụ thuộc vào việc liệu công ty muốn sản xuất chúng hay không. 

* Glass-backsheet: Mặt trên của tấm pin bằng thủy tinh, mặt đáy thường bằng polymer. Đây là công nghệ truyền thống trong ngành sản xuất pin mặt trời mấy chục năm qua. 
** Glass-glass: Mặt trên và mặt dưới đều dùng thủy tinh cường lực, tăng hiệu suất và tuổi thọ pin. Đây là công nghệ mới, tân tiến. 

"Vì Việt Nam vẫn là một thị trường mới, chúng tôi mới chỉ đang bắt đầu với công nghệ pin mặt trời tiêu chuẩn AL-BSF (Aluminum Back Surface Field – tế bào đáy phủ nhôm). Loại pin dùng tế bào quang điện PERC (Passivated Emitter Rear Cell – tế bào phát xạ thụ động) sẽ được sử dụng trong giai đoạn sau, tùy thuộc vào nhu cầu và sự tăng trưởng của thị trường ", bà Sartore bổ sung.

Nhà máy sản xuất cách thủ đô Hà Nội 15 km. Ngoài cung cấp cho thị trường trong nước, công ty cũng muốn xuất khẩu mô-đun sang Mỹ, và các thị trường phương Tây khác.

Ngoài các dữ liệu kỹ thuật, bà Sartore đã đề cập, "dòng sản phẩm này không chỉ giới hạn trong việc cung cấp thiết bị sản xuất mà còn được cung cấp gói dịch vụ toàn cầu của chúng tôi".

Bà nói rằng một gói gồm một loạt các dịch vụ có thể làm giảm thời gian tăng tốc, chi phí khởi nghiệp và điều đó sẽ làm tăng hiệu quả chi phí và mang lại lợi thế đáng kể cho doanh nghiệp mới.

Ecoprogetti tuyên bố rằng đây là dây chuyền lớn nhất của Việt Nam và việc lắp đặt sẽ hoàn thành vào tháng 6 năm 2018.

Dự án sản xuất là bước đi đầu tiên của nhà đầu tư Việt Nam trong thị trường năng lượng mặt trời. Có trụ sở tại miền Bắc Việt Nam, công ty đã và đang phát triển một loạt dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 60 MW.

Ecoprogetti cho biết sẽ sớm mở Trung tâm Dịch vụ mới tại Việt Nam để đảm bảo sự hỗ trợ của khách hàng kịp thời, hỗ trợ đào tạo, chuyển giao bí quyết và phát triển quy trình.

Vào tháng 12 năm 2017, công ty đã hoàn thành một đơn hàng 200 MW tại Philippines . Bây giờ, với dự án mới này, danh mục đầu tư trên toàn thế giới của Ecoprogetti hiện nay đứng ở mức 7 GW.

Như vậy, có thể thấy, nhiều khả năng công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam, ngoài việc thúc đẩy đầu tư các nhà máy phát điện mặt trời, còn đang mở rộng sang hướng phát triển mới, đó là sản xuất và cung ứng các tấm pin mặt trời cho thị trường trong nước và quốc tế. Đây là một hướng đi táo bạo khi thị trường pin mặt trời ngày càng cạnh tranh gay gắt, đòi hỏi nhà sản xuất phải tập trung quy mô lớn và cải tiến công nghệ liên tục. 
Đỗ Đức Tưởng tổng hợp

Để lại một bình luận