Sáng 17/2, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo tham vấn về Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII) và Đánh giá môi trường chiến lược. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long chủ trì Hội thảo. Tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương cho biết sẽ trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt trước 28/2/2025.
Hội thảo được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham dự của các thành viên Hội đồng thẩm định; đại diện các bộ, ngành; Lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương; các chuyên gia phản biện; đại diện các Tập đoàn, các đơn vị ngành điện; đại diện các hiệp hội và các trường đại học; đại diện các tổ chức quốc tế, và một số chuyên gia độc lập hoạt động trong lĩnh vực quy hoạch, điện lực và năng lượng.
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (QHĐ VIII) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 với nhiều điểm mới so với các quy hoạch trước đây như “mang tính động và mở”, phát triển tối ưu các loại nguồn điện với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo Cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, đảm bảo cung cấp đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế với mức tăng trưởng GDP đạt khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2030, khoảng 6,5-7,5% giai đoạn 2031-2050 theo Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, phát triển điện lực phải luôn đi trước một bước nhằm cung cấp đủ điện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân là quan điểm xuyên suốt, là mối quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước. Những vấn đề này đang ngày càng trở nên bức thiết, đòi hỏi chúng ta phải có một tầm nhìn, một quy hoạch, chính sách dài hạn, nhất quán và các giải pháp hiệu quả.
Đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII gồm 12 Chương. Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đã nghiên cứu, tính toán một số kịch bản, phương án khác nhau đảm bảo tính khách quan, khoa học, tuân thủ chặt chẽ trình tự, thủ tục trong lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch. Đề án đã tuân thủ các văn kiện của Đảng, Nhà nước về định hướng chiến lược phát triển kinh tế xã hội, chiến lược phát triển năng lượng, quy hoạch tổng thể quốc gia, bám sát và tiếp thu đầy đủ các chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ, ý kiến góp ý của các bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức, hiệp hội trong và ngoài nước có liên quan.
Cùng với việc tiếp tục triển khai các dự án điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận với quy mô công suất khoảng 6000 MW thì nguồn điện từ năng lượng tái tạo như điện mặt trời (bao gồm cả điện mặt trời mái nhà) và nguồn điện gió tăng sẽ được tăng lên đáng kể. Trong đó, riêng nguồn điện gió tăng khoảng 16 GW tại bản dự thảo điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.
Không tính tới nguồn điện mái nhà hiện hữu, tổng công suất đặt nguồn điện toàn quốc đến hết năm 2024 vào khoảng 79 GW (79.000MW), đạt khoảng 53% tổng công suất đặt dự kiến đến năm 2030 theo QHĐ VIII (khoảng 150 GW). Như vậy, từ nay đến năm 2030, theo QHĐ VIII chưa điều chỉnh Việt Nam đã cần phải đầu tư và đi vào vận hành hơn 70GW (70.000MWW) công suất đặt nguồn điện, trong đó cần rất nhiều nguồn điện ổn định để đảm bảo cho phát triển kinh tế – xã hội.
Nguồn: Bộ Công Thương, VTC News