ĐIỆN MẶT TRỜI GIÁ RẺ VÀ HƯỚNG ĐI CHO VIỆT NAM (phần 1)

Chú thích ảnh: Giá điện mặt trời trúng thầu trên thế giới từ 2013-2016.

Nguồn: World Bank. Hội thảo xu hướng giá điện mặt trời và cơ chế đấu giá điện mặt trời trên thế giới, do Bộ Công thương và Ngân hàng thế giới tổ chức ngày 21.2.2017. 

Thời gian gần đây, thế giới liên tục chứng kiến những cú sốc về giá điện mặt trời từ các chương trình đấu thầu cạnh tranh. Những hợp đồng thắng thầu được trao cho các công ty có mức bỏ thầu thấp, thậm chí thấp hơn nhiều so với giá điện lưới tại các quốc gia đó. Nhiều dự án điện mặt trời trúng thầu với giá đưa ra từ 3 US cents/kWh đến 7 US cents/kWh. Điều này tạo nên một sức hút đáng kể với các quốc gia đang quan tâm tới việc phát triển năng lượng mặt trời nói riêng, và năng lượng tái tạo nói chung, trong đó có Việt Nam.
Liệu điện mặt trời ở Việt Nam có thể đạt được mức giá đó hay không? Nếu điện mặt trời đã rẻ hơn điện than thì chúng ta còn chần chừ gì nữa mà không làm điện mặt trời ngay đi? Tại sao các nhà đầu tư còn e dè? Tại sao Việt Nam mới chỉ có chưa tới 5MW điện mặt trời lắp đặt từ trước tới nay?
Trước khi trả lời những câu hỏi đó, chúng ta nên cùng nhìn lại một cách bình tĩnh, khách quan xem yếu tố nào đã giúp các nước khác trên thế giới có được các dự án điện mặt trời chi phí thấp như vậy. Hãy lược qua một số nước vừa triển khai đấu thầu điện mặt trời trên thế giới.
Ấn Độ:

Vừa qua, ngày 10/2/2017,  18 dự án đã tham gia đấu thầu giành quyền lắp đặt 750MW điện mặt trời tại thành phố Rewa, (phía Đông Bắc bang Madhya Pradesh). Kết quả, 3 công ty thắng thầu với giá 4.4 US cents/kWh. Đây là giá bỏ thầu cho năm đầu tiên, trong 15 năm tiếp theo, mỗi năm giá sẽ tăng 0.7 US cents/kWh. Như vậy tính bình quân, giá thắng thầu trung bình khoảng 4.9 US cents/kWh trong vòng 15 năm. Mỗi công ty được quyền xây dựng 250MW điện mặt trời, bao gồm ACME Cleantech Solutions, Mahindra Renewables, và Solenergi. Cường độ bức xạ tại Rewa vào khoảng 5.51 kWh/m2/ngày.
Các chuyên gia lý giải nguyên nhân giá điện mặt trời trúng thầu thấp như vậy là nhờ các yếu tố: giá pin mặt trời giảm (26% trong năm 2016); đất sạch được bàn giao sẵn sàng cho nhà đầu tư; quyền được mua bán điện tự do (*); khoản cho vay tài chính giá rẻ từ IFC, và cam kết mua điện lâu dài của  công ty đường sắt Delhi Metro Rail Corporation.
Quy định đấu thầu của Ấn Độ có điểm đặc biệt là công ty bỏ thầu giá cao nhất sẽ bị loại, trongkhi công ty bỏ thầu giá thấp nhất sẽ được chọn làm cơ sở cho việc chọn thầu tiếp theo. Cụ thể, 20 công ty bỏ thầu thì 2 công ty là Shapporji Pallonji và Torrent Power bị loại vì có giá bỏ thầu cao nhất, chỉ còn lại 18 công ty. Bên cạnh đó, World Bank hỗ trợ funding cho xây dựng cơ sở hạ tầng và lưới truyền tải, IFC hỗ trợ tài chính và xây dựng hợp đồng mua bán điện mẫu, hợp đồng mua bán điện được bảo lãnh, giá mua điện tăng 0.7 cents/kWh mỗi năm trong 15 năm.
(*) Quyền mua bán điện tự do hay còn gọi là Open-Access, được quy định trong Luật Điện Lực Ấn Độ từ 2003, cho phép các tải lớn từ 1MW trở lên được mua điện giá rẻ từ thị trường tự do mà không nhất thiết phải mua từ các công ty điện lực độc quyền của nước này. Xem thêm: http://indianpowersector.com/home/open-access/
Mê-hi-cô
Tháng 9 năm 2016, Mê-hi-cô ghi nhận kỷ lục về giá điện mặt trời thắng thầu với mức 3.3 US cents/kWh, giảm 30% so với mức giá đấu thầu trước đó 6 tháng. Trong khi đó, giá điện lưới Ấn Độ vào khoảng 6 US cents/kWh.
Điều đáng nói là hầu hết các công ty đầu tư đều là công ty nước ngoài, trong đó có Alten Renewable Energy (Hà Lan), AT Solar, Bluemex Power, liên danh Engie Solar Trompezón, Canadian Solar, liên danh Fotowatio, OPDE, và X-Elio Energy. Trong đợt đấu thầu hồi tháng Ba 2016, các công ty trúng thầu gồm Enel Green Power (Ý), Alten Energia Renovables (Hà Lan), Jinko Solar (Trung Quốc), SunPower (Mỹ)…
Steven Chu, nguyên Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ, cho rằng mức giá 4-4.5 US cents/kWh ở Mexico hồi tháng Ba, không gồm ưu đãi thuế, không có quy định tỷ lệ năng lượng tái tạo bắt buộc (RPS) là một kỳ tích. Nó chứng tỏ điện mặt trời đã đã thực sự rẻ hơn điện hóa thạch. Trong khi đó, cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ vẫn đưa ra con số dự báo giá điện mặt trời ở mức 8.9 US cents/kWh vào năm 2020. Hiện là học giả tại Đại học Standford, Steven Chu cho rằng mức giá thấp này có được chủ yếu là nhờ vào sáng tạo công nghệ từ nghiên cứu và phát triển.
Tuy giá pin đã giảm 20% trong 5 năm qua, giá hệ thống điện mặt trời mới chỉ giảm khoảng 10% tại Mê-hi-cô. Pin mặt trời nhập khẩu hiện vẫn chịu mức thuế là 15%.
Lý giải về hiện tượng giá điện mặt trời chào thầu thấp, các chuyên gia cho rằng nhờ có: cường độ bức xạ mặt trời cao; nhà đầu tư lớn có quy mô dự án lớn nên tận dụng được các ưu thế về điều kiện tài chính; công nghệ ổn định và dễ dự đoán; chi phí mua sắm (CAPEX) dự báo thấp. Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội điện mặt trời Mexico cũng lo ngại về khả năng các dự án này sẽ bị kéo dài, hoặc không thực hiện được cam kết do không giành được quyền sử dụng đất hoặc phê duyệt báo cáo môi trường. Bên cạnh đó, việc bỏ thầu thấp có thể gây khó khăn cho các nhà phát triển dự án khi tìm kiếm các nguồn tài chính hoặc chứng minh tính khả thi của dự án.
Chi-lê

Tháng 8 năm 2016, Chi-lê công bố dự án điện mặt trời trúng thầu Granja Solar của Solarpack chỉ ở mức 2.9 US cents/kWh. Chi-lê hiện có 1.3GW điện mặt trời, với 1.6GW đang trong quá trình xây dựng.
Khó khăn của Chi-lê ở chỗ hệ thống kết nối chưa sẵn sàng. Các dự án điện mặt trời tập trung ở phía Bắc, trong khi dân cư lại tập trung ở phía Nam. Việc bỏ giá thầu thấp với niềm tin sẽ có nhiều dự án phân phối điện được thiết lập là một vấn đề đáng quan ngại. Giá bỏ thầu quá thấp có thể cũng gây khó khăn cho việc huy động tài chính cho các dự án này. Chi-lê hiện đang gọi thầu xây dựng hệ thống truyền tải điện Nam-Bắc trị giá gần 200 triệu USD. Dự án này được thực hiện hay không, sẽ quyết định đặc biệt đến các dự án điện mặt trời ở nước này.  
Lý giải về giá điện thấp, các chuyên gia cho rằng, nhờ vào chi phí tài chính giá rẻ của các nhà phát triển mạnh như Enel / Endesa và Mainstream; giá công nghệ điện mặt trời giảm; và điều kiện tự nhiên thuận lợi với cường độ bức xạ cao. Chi-lê có cường độ bức xạ mặt trời vào loại cao nhất thế giới, ở mức 2.500 kWh/m2/năm. Giá pin mặt trời đa tinh thể được cho là chỉ còn khoảng 44.7 cents/Wp.
Cách đây 5 năm, khi Ác-hen-ti-na từ chối bán khí cho Chi-lê, nước này rơi vào khủng hoảng năng lượng. Các công ty tư nhân đua nhau xây nhà máy nhiệt điện chạy than, nhưng bị vấp phải làn sóng phản đối dữ dội của công chúng và các nhà hoạt động môi trường. Tổng thống Chi-lê lúc đó đã phải cho dừng dự án nhiệt điện than Barrancones, làm tổn hại không nhỏ đến uy tín đầu tư của nước này. Thế nhưng giờ đây, Chi-lê đang là nước xuất khẩu năng lượng ngược lại cho Ác-hen-ti-na với thị trường năng lượng tái tạo đang phát triển mạnh mẽ.
Pê-ru

Tháng 2 năm 2016, Cơ quan Điều tiết Điện lực Pê-ru đã thông báo một dự án điện mặt trời trúng thầu ở mức 4.8 US cents/kWh, với công suất lắp đặt dự kiến 184.5MWp. Đây là mức giá kỷ lục so với mức giá 22 US cents/kWh trong lần đấu thầu đầu tiên năm 2011. Các công tham gia bỏ thầu bao gồm ENEL Power (Ý), Hanwa (Hàn Quốc), Canadian Solar và FV (Tây Ban Nha), trong khi công ty trúng thầu cuối cùng là Enel Green Power (144MW) và Enersur (40MW).
Giá ghi trong hợp đồng mua bán điện (PPA) được tính theo USD, có thời hạn 20 năm, do đó giảm rủi ro cho các nhà đầu tư nước ngoài. Các dự án phải phát điện từ tháng 12/2018, nhờ vậy có thêm một chút lợi thế thời gian và giá cho các nhà đầu tư.
Một đặc điểm của Pê-ru là hệ thống truyền tải kém, do đó chính phủ nước này kỳ vọng xây dựng các hệ thống điện phân tán gần các khu vực có nhu cầu tải lớn, nhờ đó rút ngắn khoảng cách và chi phí truyền tải. Nước này cũng có chính sách rất linh hoạt cho phép phát triển các hệ thống điện phân phối này.
Tham khảo
 1.       India’s New Solar Auction Lights the Way to Modi’s Green Targets
http://www.renewableenergyworld.com/articles/2017/02/india-s-new-solar-auction-lights-the-way-to-modi-s-green-targets.html

2.       Despite Record-Low Solar Prices in Latin America, Challenges Remain
https://www.greentechmedia.com/articles/read/latin-america-auctions-surprise-with-low-solar-prices

3.      New Low Prices Paid for Electricity in Mexico’s Second Clean Energy Auction
http://globalwarmingisreal.com/2016/10/11/low-prices-for-electricity-mexicos-clean-energy-auction/

4.       Reflections on the First Renewable Energy Auction in Mexico
https://www.awstruepower.com/reflections-on-the-first-renewable-energy-auction-in-mexico/

5.       New Low Solar Price Record Set In Chile — 2.91¢ Per kWh!
https://cleantechnica.com/2016/08/18/new-low-solar-price-record-set-chile-2-91%C2%A2-per-kwh/

6.       Chile launches online tool to study solar availability
https://www.pv-magazine.com/2012/10/11/chile-launches-online-tool-to-study-solar-availability_10008808/

7.       Why the recent Peruvian renewable energy auction was significant for Latin America
http://carlosstjames.com/renewable-energy/why-the-recent-peruvian-renewable-energy-auction-was-significant-for-latin-america/

8.       Peru hands out two PV projects to Enel Green Power, Enersur
http://www.pv-tech.org/news/peru-hands-out-two-pv-projects-to-enel-green-power-enersur

Để lại một bình luận