Biểu giá FIT và các lợi ích


Biểu giá FIT là gì?

FIT (feed-in-tariff) là một cơ chế chính sách được đưa ra nhằm khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, tăng sức cạnh tranh của các nguồn năng lượng này với các nguồn năng lượng truyền thống. Hiểu ngắn gọn là FiT là các mức giá áp dụng cho điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo để bán lên lưới hoặc sử dụng tại chỗ nhằm giảm tải cho lưới điện.

Luật về FiT quy định 3 điều khoản quan trọng là:
Quy định các công ty truyền tải, kinh doanh điện phải mua điện từ bất kỳ nguồn điện phát bằng năng lượng tái tạo nào
Các hợp đồng mua điện được ký dài hạn (thường từ 15-25 năm)
Quy định mức giá mua điện cụ thể cho từng loại công nghệ khác nhau (gió, mặt trời, sinh khối…) sao cho đảm bảo các nhà đầu tư có lợi nhuận.

Việc quy định mức giá khác nhau cho các công nghệ NLTT khác nhau là dựa trên cơ sở mức độ phát triển của từng công nghệ, nhằm khuyến khích sự đa dạng của tất cả các dự án (điện mặt trời, điện gió, điện từ sinh khối, biogas… đều có mức giá khác nhau).

Ngoài ra, với mỗi công nghệ, mức giá cũng thay đổi theo cấp công suất của dự án. Thông thường, công suất thấp thì giá sẽ cao. Việc chia mức công suất này ở mỗi nước cũng khác nhau.

Thêm vào đó, mức giá FiT cũng thay đổi theo chu kỳ 3-4 năm. Các năm đầu giá FiT sẽ cao hơn các năm tiếp theo. Điều này nhằm mục đích tạo động lực cho các nhà sản xuất điện từ năng lượng tái tạo phát triển công nghệ, giảm giá thành, đưa năng lượng tái tạo đến gần với mức giá thị trường của các loại năng lượng hóa thạch khác nữa.

Biểu giá FiT cho điện mặt trời ở  Đức năm 2010/2011 (thời hạn 25 năm)
Công suất/Loại công trình 01.01.10 01.07.10 01.10.10 01.01.2011*
Up to 30 kW toà nhà 39.14 34.05 33.03 28.74
Up to 100 kW toà nhà          37.23 32.39 31.42 27.33
Up to 1 MW toà nhà               35.32 30.65 29.73 25.86
Over 1 MWtoà nhà   29.37 25.55 24.79 21.56
Khu vực chuyển đổi    28.43 26.15 25.37 22.07
Các khu vực khác 28.43 25.02 24.26 21.11

Từ bảng trên có thể nhận thấy a) mức giá FiT giảm theo thời gian và b) công suất và loại dự án khác nhau thì giá khác nhau và c) Giá FiT có thể cao hơn cả giá điện bán lẻ bình quân (21cent/kWh).

Từ bảng trên có thể nhận thấy a) mức giá FiT giảm theo thời gian và b) công suất và loại dự án khác nhau thì giá khác nhau và c) Giá FiT có thể cao hơn cả giá điện bán lẻ bình quân (21cent/kWh).

Thông thường bểu giá FiT phổ biến là áp dụng cho mỗi kWh điện phát lên lưới. Ví dụ như ở Đức, các hộ gia đình bán điện từ dàn pin mặt trời lên lưới theo giá FiT (cao hơn) và mua điện với mức giá điện lưới (thấp hơn). Nhưng ở Anh, có 2 mức giá là FiT cho điện phát được (generation), và FiT cho điện phát lên lưới (export). Giả sử 1 hộ gia đìnhở Anh phát được 20kWh từ nguồn điện mặt trời, nhưng chỉ dùng hết 15kWh, còn thừa 5kWh phát lên lưới. Với biểu giá FiT của Anh là 43.3pence/kWh cho “điện phát được” và 3pence/kWh cho “điện phát lên lưới” thì hộ gia đình đó nhận được số tền là : (20kWh x 43.3pence/kWh) + (5kWh x 3pence/kWh) = 8 Bảng 81pence.

Đức là nước đi đầu trong việc áp dụng biểu giá FiT. Các nước khác như Mỹ, Nhật, Pháp, Tây Ban Nha, rồi Ý, Anh, Séc…đều học theo chính sách này của Đức với sự điều chỉnh riêng phù hợp với điều kiện mỗi nước.

Các lợi ích từ chính sách giá FIT

Thách thức lớn nhất đối với ngành năng lượng tái tạo chính là làm sao cho chi phí các nguồn năng lượng sạch cạnh tranh được với các nguồn năng lượng hóa thạch, khi các nguồn hóa thạch này không chịu các chi phí về ô nhiễm mà nó gây ra, và thường được trợ cấp rất lớn. Nếu không có những giải pháp chính sách hợp lý để tăng nhu cầu của người tiêu dùng, khuyến khích tiếp cận thị trường thì các nhà cung cấp công nghệ năng lượng tái tạo không thể sản xuất đủ số lượng để có thể hạ giá thành và tạo động lực cho các cải tiến công nghệ được.

Biểu giá FIT đã được chứng minh là một trong những công cụ chính sách hiệu quả nhất, vượt qua rào cản chi phí để phổ biến và thương mại hóa các sản phẩm năng lượng tái tạo.

Các lợi ích từ chính sách giá FIT hợp lý:

– Giảm phát thải CO2. Một chính sách giá FIT tốt sẽ giúp tăng thị phần của năng lượng tái tạo, do đó thay thế dần các nguồn năng lượng hóa thạch trong sản xuất điện.

– Tạo công ăn việc làm. Khi ngành công nghiệp năng lượng tái tạo phát triển, nó sẽ tạo ra hàng ngàn việc làm cho các công nhân. Ví dụ như ở Đức, ngành năng lượng tái tạo hiện có gần 350,000 lao động thì tới 60% là kết quả trực tiếp từ việc áp dụng luật FIT.

– Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Việc tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo được sản xuất trong nước sẽ giúp các quốc gia giảm bớt sự phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch.

– Tăng động lực cho sáng tạo công nghệ. Một biểu giá FIT tốt cho công nghệ năng lượng tái tạo sẽ làm tăng động lực sáng tạo và khuyến khích đầu tư vào các công nghệ như gió, điện mặt trời, nhiệt mặt trời trung tâm…là những nguồn năng lượng có tiềm năng khổng lồ.

– Tạo ra điều kiện thị trường cho công nghệ năng lượng tái tạo. Trong quá khứ, các nguồn năng lượng tái tạo đã không thể cạnh tranh với các nguồn năng lượng hóa thạch, bởi lẽ các nguồn hóa thạch này không phải trả các chi phí ngoại lai về mặt môi trường mà nó gây ra, trong khi đó lại được trợ cấp mạnh mẽ. Luật FIT sẽ gúp các nguồn năng lượng tái tạo tăng dần khả năng cạnh tranh. Và thực tế đã chứng minh điều đó, khi giá của các nguồn điện từ gió, điện mặt trời… ngày một giảm.

Nguồn: DEVI tổng hợp

Để lại một bình luận