Bài gốc đăng trên Báo Lao Động 2 thủy điện đe dọa tàn phá “giá trị Tây Nguyên”

Đập thuỷ điện Đrăng Phốk sẽ chặn dòng Sêrêpốk, nhấn chìm dải rừng 250ha hai bên dòng sông. Ảnh: Đặng Trung Kiên
Bất chấp phản ứng, cảnh báo của các nhà hoạt động môi trường và lãnh đạo các vườn quốc gia, hai dự án thủy điện Đrăng Phốk (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắc Lắc – nằm hoàn toàn trong vùng lõi Vườn quốc gia Yok Đôn), dự án thủy điện Ea K’Tuor (nằm trong Vườn quốc gia Chư Yang Sin) của tỉnh Đắc Lắc vẫn đang được triển khai…
Kỳ 1: Băm nát “khúc ruột” cuối cùng
Dự án thủy điện Đrăng Phốk là bậc thang – “khúc ruột” cuối cùng trên sông Sêrêpốk. Mặc dù đã “trốn” trong vùng lõi Vườn quốc gia (VQG) Yok Đôn – nơi được bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng “khúc ruột” này cũng khó tránh khỏi nguy cơ bị băm nát…
“Quả bom” hủy diệt
Từ tỉnh lộ 1 rẽ vào mấy trăm mét, chúng tôi bị ách lại bởi một barie chắn ngang đường, thẻ nhà báo đỏ chót rút ra vẫn không đi được. “Đây là rừng đặc dụng, ra vào phải được chủ rừng cấp giấy, nhà báo cũng vậy thôi, các anh ạ” – một kiểm lâm viên kiên quyết. May có anh cán bộ Phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế của VQG Yok Đôn kịp đến, chúng tôi được vào chỗ sắp làm thủy điện Đrăng Phốk.
Qua trạm thứ nhất, chúng tôi chạy xe máy băng băng trên đường cấp phối, thỉnh thoảng mới gặp một anh bộ đội hoặc kiểm lâm ngược ra, ngó nghiêng cảnh giác. Thì ra, ngoài quy chế quản lý rừng đặc dụng rất nghiêm, mọi hoạt động trong khu vực còn được điều chỉnh bởi Nghị định 34 về quản lý biên giới.
Vẫn chưa hết mùa mưa, rừng khộp xanh đen với lớp lớp những chiếc lá to rộng như quạt mo vươn ra đầy sức sống. Chốc chốc, chúng tôi còn bị cản trở bởi đàn lợn rừng nhí theo mẹ chạy dúi dụi, những chú rắn to ngang cán dao đủ máu sắc ưỡn ẹo băng qua đường… Dường như ở đây, những gì thuộc về thiên nhiên vẫn đang làm chủ. Khi đến cột mốc T16 – có lẽ là đường tuần tra 16 – chỉ 3km nữa đến Đồn biên phòng 734, chúng tôi dừng lại, rẽ trái. Dưới tán rừng khộp, đường mòn len giữa thảm cỏ cao ngang gối, xuyên thủng những bức tường dày đan bởi vô số bụi tre, dẫn lòng vòng một lúc đến bờ sông.
Anh Hoàng Vinh – Trạm phó Trạm kiểm lâm số 9 – bảo, thủy điện Đrăng Phốk là “quả bom” hủy diệt giội thẳng vào vùng lõi của vườn. Chỉ cây gỗ to ở bến cá ông Lại, anh Vinh nói: “Cây bằng lăng này dễ đến mấy trăm năm, 3 người ôm không xuể, nó sắp bị chặt để làm thủy điện rồi. Rặng cổ thụ bên kia sông nữa, toàn gỗ quý hiếm, chụp ảnh làm lịch không đâu bằng, nhưng cũng bị đánh dấu khai tử rồi. Trong quá trình khảo sát, có anh cán bộ nào đó hứng chí viết chữ “T.điện” bằng bút sơn trắng, rồi ký tên mình ở dưới. Ý rằng ta – thủy điện – đã đến đây rồi, số mày – cổ thụ bằng tuổi ông cố nội anh ấy – xem như đã hết.
Chúng tôi rời bờ sông, theo lối mòn trở ra đường tuần tra biên giới. Rừng khộp bằng phẳng như cánh đồng bất tận, gỗ quý họ dầu chen nhau vươn thẳng tắp, bên dưới là thảm cỏ ngút ngàn đẹp. Anh Vinh dừng lại bấm máy định vị, thấy màn hình xuất hiện hai chữ “thủy điện”, anh thở dài: “Chỗ này cũng chìm xuống lòng hồ. Chỉ còn mấy khoảnh rừng khộp trên kia, nhưng nó quen khô ráo, nước xâm xấp dưới chân chắc không sống nổi. Hồ thủy điện sẽ cưỡng bức thay đổi hệ sinh thái vùng này mất”.
Theo thiết kế, thủy điện Đrăng Phốk gồm 1 đập dâng cao gần 20m, rộng 5m, dài 1,25km và kênh dẫn bêtông cốt thép rộng 8m, dài gần 4km. Đập này chặn ngang dòng chính Sêrêpốk, tạo nên mặt hồ 250ha, đủ nước cho nhà máy thủy điện công suất 26MW. Công trình chiếm dụng vĩnh viễn hơn 300ha đất các loại, trong đó 295,4ha thuộc vùng lõi VQG Yok Đôn.
![]() |
Vùng lõi VQG Yok Đôn sẽ chìm xuống lòng hồ thuỷ điện Đrăng Phốc. |
Anh Đỗ Phạm Nguyên – kiểm lâm viên ở Trạm kiểm lâm Đrăng Phốk – lo lắng nói: “Chỉ trong giai đoạn thi công, thủy điện này cũng đủ làm chúng tôi khổ rồi. Hàng nghìn công nhân sẽ náo loạn VQG trong vài năm, kéo theo nhu cầu bao nhiêu gỗ, củi, thức ăn trong tự nhiên. Trạm chỉ 16 người quản lý gần 17.000ha rừng, sức đâu mà kiểm soát từng ấy con người, ai dám chắc lâm tặc không trà trộn vào.
Rồi máy móc ầm ầm suốt ngày đêm, lại nổ mìn phá đá suốt mấy năm, chẳng con thú nào dám ở đây nữa. Đến khi làm xong, lại một hồ nước 250ha, đó là điều kiện lý tưởng nhất cho lâm tặc xâm nhập rừng từ mọi phía. Chúng giấu gỗ dưới lòng hồ thì có trời biết, rồi tha hồ vận chuyển bằng phương tiện thủy”.
Báo cáo sai sự thật và lách luật
Ông Trần Văn Thành – Giám đốc VQG Yok Đôn – cho biết: “Tác hại của thủy điện Đrăng Phốk là vô cùng lớn, chưa từng có tiền lệ trên đất nước này. Vừa rồi công luận phản đối thủy điện Đồng Nai 6 và 6A rất kịch liệt, tôi từng là giám đốc VQG Cát Tiên nhiều năm, tôi khẳng định thủy điện Đrăng Phốk này khốc hại hơn. Bởi Đồng Nai 6 và 6A cũng làm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt ngoài bìa; trong khi Đrăng Phốk là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt nằm sâu trong ruột VQG Yok Đôn, do vậy mức độ lan tỏa tác hại lớn hơn nhiều.
Trong cuộc họp với UBND tỉnh Đắc Lắc hồi đầu năm, đồng chí chủ tịch tỉnh nói, nếu ý kiến của vườn như thế thì nên xem xét lại dự án thủy điện Đrăng Phốk, đồng chí phó chủ tịch cũng bảo nếu chủ đầu tư đã bỏ tiền khảo sát, thiết kế thì địa phương sẽ xem xét hoàn trả. Tôi mừng như khóc được. Sau cuộc họp đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì một đoàn kiểm tra, khi đoàn vào tôi cũng nêu quan điểm như thế. Bây giờ họ đã báo cáo UBND tỉnh, nhưng không gửi cho vườn nên chúng tôi không biết họ tham mưu thế nào”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương nói Bộ NNPTNT đã xác nhận khu vực trên “là rừng nghèo tái sinh sau khai thác kiệt, có thể chuyển mục đích sử dụng ra khỏi rừng đặc dụng”. Nhưng khảo sát của đơn vị chuyên ngành mới đây cho thấy có cả rừng giàu, rừng trung bình và rừng nghèo, trong đó rừng trung bình chiếm diện tích lớn nhất.
Mặt khác – theo ông Thành, khái niệm giàu hay nghèo chỉ áp dụng đối với rừng sản xuất để tính trữ lượng, chất lượng gỗ. Còn rừng bảo tồn là tổng hòa các yếu tố tự nhiên, trong đó sông suối, đầm lầy, bãi cỏ thú ăn cũng là rừng.
![]() |
Kiểm lâm VQG Yok Đôn định vị khu vực làm thuỷ điện Đrăng Phốk. |
Ông Thành nói: “Đối với rừng bảo tồn, một cây gỗ chết khô cũng không được chặt. Phải để đó nuôi con kiến, con mối, rồi con kiến, con mối sẽ nuôi con chim con chóc, con chim con chóc đó sẽ gieo hạt phát triển rừng. Như vậy mới gọi là bảo tồn thiên nhiên, dạng sinh học. Ở đây cứ bảo rừng ít gỗ, không có con thú lớn bán được nhiều tiền thì được phá, sau này khoa học phát hiện con mối, con kiến có giá trị bảo tồn gene, bào chế thuốc chữa được bệnh ung thư thì ai đền nổi?”.
Ông Thành cũng cho rằng, ban đầu diện tích rừng đặc dụng bị ảnh hưởng bởi thủy điện Đrăng Phốk là hơn 63ha. Đến khi có nghị quyết quy định chuyển đổi rừng đặc dụng từ 50ha trở lên phải báo cáo Quốc hội, họ liền điều chỉnh xuống 49ha, trong đó có 10ha chuyển đổi tạm thời để lách luật. Ông Thành phân tích: “Khái niệm chuyển đổi tạm thời là do chủ đầu tư đặt ra, chẳng có quy định nào của pháp luật nói như vậy cả. Mặt khác, khi lập dự án bao giờ họ cũng xin ít, sau đó lấy cớ phát sinh để xin thêm, xin thêm nữa…”.
Rồi ông Thành so sánh: “Hôm rồi, Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin UBND tỉnh Đắc Lắc nêu quan điểm không thống nhất làm thủy điện Ea K’Tuor trong VQG Chư Yang Sin. Dự án đó có 5MW, ảnh hưởng có 6ha rừng đặc dụng mà bị dừng thì theo tôi, không có lý do gì để không dừng thủy điện Đrăng Phốk công suất 26MW, chiếm dụng hơn 300ha đất VQG Yok Đôn này”. Nhưng ông Thành không biết, câu chuyện Chư Yang Sin vẫn chưa kết thúc, dừng “quả bom” thủy điện Đrăng Phốk ở Yok Đôn còn khó hơn nhiều.