Kỷ nguyên của xe điện đang đến gần

Trước bối cảnh nguồn nhiên liệu hóa thạch dần trở nên cạn kiệt và đắt đỏ, cộng thêm tác động về phát thải và ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng, xe điện trở thành một lựa chọn có nhiều ưu thế. Chúng ta hãy cùng lướt qua những con số thống kê dưới đây để thấy rằng kỷ nguyên của xe điện thực sự đang đến gần.

Ở thị trường Mỹ, doanh số xe điện năm 2017 tăng 21% so với năm trước đó, số lượng xe điện bán ra tăng lên từ 158.614 xe năm 2016 lên 199.826 xe năm 2017. Tại Châu Âu, kể từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay, số xe điện bán ra xấp xỉ 195,000 chiếc, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Na-uy là quốc gia dẫn đầu với số xe điện bán ra là 36,500 xe, chiếm tới 37% số lượng xe đăng ký mới của quốc gia này.  Thị trường Anh tăng trưởng với tốc độ thấp hơn, và chỉ bán được 30.040 xe từ đầu năm, do các mẫu xe điện sản xuất trong nước kém hấp dẫn của hãng Ford và Vauxhall.

Hãng tư vấn  Wood Mackenzie dự báo đến năm 2035, cứ 9 xe ô-tô bán ra thì có 1 xe chạy điện, nâng tổng số xe điện lên con số 125 triệu xe. Bloomberg New Energy Finance cũng đưa ra kỳ vọng đến năm 2022 hoặc sớm hơn, xe điện sẽ rẻ bằng xe chạy xăng. Đến lúc đó, kỳ vọng thị trường và doanh số xe điện sẽ càng tăng trưởng mạnh hơn nữa.

Tầm nhìn của các nhà cung cấp

Với các hãng xe, phát triển xe điện đã trở thành tầm nhìn chiến lược để đáp ứng nhu cầu thị trường và gia tăng thị phần của mình. Toyota tuyên bố kế hoạch điện hóa hoàn toàn các dòng xe của hãng này vào năm 2025. Trong khi đó, General Motors tuyên bố sẽ cho ra đời 20 mẫu xe điện mới từ nay tới năm 2023. Volvo cũng tuyên bố kể từ 2019, tất cả các mẫu xe mới sẽ chỉ là xe điện hoặc xe chạy lai-ghép (hybrid). Hãng Ford tuyên bố đang đầu tư 4,5 tỷ đô la Mỹ để cho ra 13 dòng xe điện mới.

Để đảm bảo đáp ứng được sự phát triển mạnh mẽ của xe điện, việc phát triển hạ tầng như hệ thống trạm sạc là điều thiết yếu. Các hạ tầng này, song song với sự tăng trưởng của doanh số xe điện, cũng đang được phát triển nhanh chóng. Chẳng hạn, Volkswagen tuyên bố kế hoạch lắp đặt 2.800 trạm sạc ở 17 thành phố lớn của Mỹ vào năm 2019. Tập đoàn Engie vào tháng 3 vừa qua cũng bắt đầu mua lại EV-Box, một công ty khởi nghiệp của Hà Lan về cung cấp công nghệ và hạ tầng sạc cho xe điện. Tập đoàn Enel, chuyên cung cấp năng lượng sạch trên toàn cầu cũng vừa mua lại EMotorWerks, một công ty hàng đầu thế giới về trạm sạc lưới điện thông minh. EmotorWerks hiện đang sở hữu trên 30.000 trạm sạc, cung cấp dịch vụ cân bằng lưới điện cho các công ty điện lực, đồng thời giúp tài xế có thể sạc điện từ các nguồn năng lượng tái tạo với giá rẻ nhất. Đáng chú ý là hãng dầu khí quốc tế Shell cũng đã bước chân vào lĩnh vực này bằng việc tuyên bố kế hoạch cung cấp trạm sạc nhanh 8 phút với trên 80 trạm sạc trên toàn nước Mỹ. Hãng Shell đã mua lại NewMotion, một công ty Hà Lan chuyên quản lý các trạm sạc tại Tây Âu đồng thời sẽ tiếp tục phát triển các trạm sạc mới tại các điểm bán hàng của Shell.

EV-Box cung cấp công nghệ và phần mềm quản lý sạc xe điện cho trên 600.000 trạm sạc ở 45 quốc gia streen thế giới. Ảnh: angel.co

Chính sách – đòn bẩy cho phát triển xe điện

Để tăng tính hấp dẫn của xe điện và kích thích thị trường, các gói chính sách ưu đãi được đưa ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Những chính sách này, cùng với giá ắc quy ngày một giảm xuống, là động lực chính cho phát triển xe điện ở nhiều quốc gia. Hai lý do cho việc đưa ra chính sách ưu đãi xe điện bao gồm: thứ nhất, xe điện hiện có giá cao hơn các dòng xe truyền thống khác; thứ hai, việc tiếp cận các trạm sạc và tính tiện dụng của chúng làm cho người dùng còn nhiều băn khoăn.

Chính phủ Mỹ trước đây cung cấp một khoản tín dụng thuế cho xe điện được mua sau ngày 31 tháng 12 năm 2009. Mức tín dụng này dao động từ 2.500 đô la  đến 7.500 đô la cho mỗi chiếc xe dựa trên dung lượng pin và tổng trọng lượng của xe (trọng lượng tối đa bao gồm cả hàng hóa và hành khách). Chính sách này được áp dụng cho đến khi nhà sản xuất bán đủ 200.000 xe, vào thời điểm đó tín dụng sẽ không được áp dụng với các loại xe do công ty đó cung cấp. Chính sách này đã phải tạm dừng 6 tháng khi 200.000 xe được bán ra, rồi sau đó dừng hẳn. Chính quyền Obama đề xuất mức tín dụng 10.000 đô la nhưng đã bị Quốc hội Mỹ bác bỏ. Hiện nay, khoảng một nửa số bang của Hoa Kỳ đang áp dụng các chính sách: trợ giá, miễn giảm thuế, hoặc tín dụng thuế để thúc đẩy thị trường xe điện. Ví dụ, California trợ giá cho các loại xe không phát thải và xe điện lai ghép tải trọng nhẹ, các gia đình thu nhập thấp hội đủ điều kiện sẽ được nhận thêm 2.000 đô la nữa. Washington và New Jersey được miễn thuế bán và sử dụng xe điện. Louisiana và Maryland cung cấp tín dụng thuế lên đến $ 2,500 và $ 3.000 cho mỗi chiếc xe, tương ứng.

Ở Pháp, tùy từng khu vực, xe điện có thể được miễn thuế đăng ký (hoặc là hoàn toàn hoặc 50%) cho các loại xe nhiên liệu thay thế (tức là xe điện, lai-ghép, CNG, LPG và E85).  Xe điện và xe phát thải dưới 60g CO2 / km thì hãng xe được miễn thuế bán. Xe điện và xe lai-ghép phát thải từ 20g CO2/ km hoặc ít hơn được hưởng lợi từ phí bảo hiểm 6.000€. Ngoài ra, một chương trình khuyến khích còn cấp thêm 4.000 Euro cho việc chuyển đổi xe diesel có tuổi thọ từ 11 năm trở lên sang xe điện mới (hoặc 2.500 Euro trong trường hợp đó là xe điện lai-ghép).

Ở Đức, xe điện được miễn thuế lưu thông hàng năm trong thời hạn mười năm kể từ ngày đăng ký lần đầu. Từ tháng 7 năm 2016, chính phủ Đức đã cấp một khoản tiền thưởng môi trường là 4.000 Euro cho các xe điện và pin nhiên liệu thuần túy và

3,000 Euro cho xe điện lai-ghép.

Ở Ai-len, các loại xe điện đủ điều kiện được giảm giá từ 5.000 Euro đến 31 tháng 12 năm 2021. Ngoài ra, các loại xe chạy bằng điện cho phép người mua được nhận khoản trợ cấp lên tới 5.000 Euro cho đến ngày 31 tháng 12 năm 2021. Xe điện ở đây cũng chỉ phải trả mức phí đường bộ tối thiểu là 120 Euro.

Tại Trung Quốc, chương trình miễn thuế xe điện được áp dụng từ 2014-2017 và tiếp tục được gia hạn đến hết năm 2020. Năm 2010, chính phủ nước này đưa ra mức trợ giá 9.530 đô la Mỹ cho xe điện dùng ắc quy, mức trợ cấp này chiếm từ 40 – 60% tổng giá bán của xe điện vào thời điểm đó. Chương trình trợ cấp này được gia hạn trở lại vào năm 2016 – lên tới 8,736 đô la cho mỗi xe điện chạy ắc quy và 4,765 đô la cho xe điện lai-ghép. Mức trợ cấp này sẽ giảm 20% trong năm 2017 và 2018 và tiếp tục giảm 40% vào năm 2019 và 2020 so với mức của năm 2016. Trung Quốc có kế hoạch loại bỏ hoàn toàn trợ cấp xe điện vào năm 2020.

Một hướng đi cho Việt Nam?

Việt Nam hiện nay phụ thuộc rất lớn vào nguồn xăng dầu nhập khẩu. Giá trị nhập khẩu xăng dầu cũng ngày một tăng lên, tiêu điểm là mức tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2017, đạt đạt 3,71 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm nay. Riêng năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu 12,86 triệu tấn xăng dầu, trị giá 7,04 tỷ USD, tăng 9,4% về lượng và tăng 38,3% về trị giá so với năm 2016.

Trong khi đó, theo Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016, thì giao thông chiếm đầu bảng trong ô nhiễm môi trường đô thị. Trong tổng lượng phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí đô thị thì khí thải từ các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chiếm vị trí hàng đầu. Lấy ví dụ, TPHCM có nguồn phát thải khí nhà kính lớn với 38,5 triệu tấn CO2, chiếm khoảng 16% lượng phát thải quốc gia. Trong đó, phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực giao thông đô thị chiếm đến 45%.

Về thị trường xe ô tô, theo dự báo của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương hồi đầu tháng 6 vừa qua, dự báo thị trường ô tô Việt Nam đến năm 2025 có thể đạt 750.000-800.000 xe và đến năm 2035 sẽ đạt từ 1,7 triệu đến 1,85 triệu xe/năm. Một dẫn chứng điển hình là tốc độ tăng trưởng tiêu dùng xe ô tô của Việt Nam đang ngày một tăng, năm 2015 tăng trưởng 55% và năm 2016 tăng trưởng cao thứ 2 trên thế giới với 27,1%. Yếu tố thứ hai hứa hẹn sự tăng trưởng này, là do tỷ lệ sở hữu xe ô tô ở Việt Nam hiện thấp nhất trong khu vực. Theo số liệu của Công ty khảo sát thị trường quốc tế Business Monitor International, hiện chỉ có khoảng 4-5% số hộ gia đình tại Việt Nam có xe ô tô (tương đương 23 xe/1000 dân). Trong khi Thái Lan có tỷ lệ 204 xe, các nước phát triển là 400 xe/1000 dân, và Mỹ là 709 xe/1000 dân.

Như vậy, với con số gần 3 triệu xe ô tô ở thời điểm 2018, Việt Nam sẽ nhanh chóng cán mức 20 triệu xe vào năm 2035. Đây sẽ là một áp lực rất lớn lên môi trường đô thị và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trên toàn quốc theo các cam kết quốc tế.

Ngoài việc thay thế các dòng xe buýt hiện nay bằng các xe sử dụng nhiên liệu sạch CNG, thì Việt Nam cần phải có tầm nhìn dài hạn hơn về việc phát triển thị trường xe điện. Việc này bao gồm hỗ trợ đầu tư sản xuất, lên kế hoạch xây dựng các hệ sinh thái và hạ tầng phục vụ cho xe điện ngày từ bây giờ như các nước khác đã làm. Phát triển thị trường xe điện sớm, sẽ góp phần đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường đô thị, giảm áp lực nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, đồng thời làm nền tảng cho việc cân bằng lưới điện và tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Để lại một bình luận