Bên cạnh việc hỗ trợ 2000đ/kWh điện mặt trời cho doanh nghiệp và hộ gia đình, năm 2015 Thành phố đã triển khai lắp đặt 07 hệ thống điện mặt trời cho tại các cơ quan ban ngành của Thành phố, mỗi hệ thống điện mặt trời đạt 20kWp. Theo tính toán của các chuyên gia, với điều kiện thời tiết tại Tp.HCM, trung bình 1kWp sẽ sản xuất được khoảng 4.3 kWh điện mỗi ngày. Như vậy, với 7 hệ thống này, mỗi tháng Thành phố có thêm 18.060kWh điện mặt trời, giúp giảm phát thải 121 tấn CO2 mỗi năm.

Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đạt 5% điện năng lượng mặt trời vào năm 2020
Theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám Đốc ECC-HCMC, hiện nay Bộ Công Thương chỉ mới ban hành các chính sách và cơ chế hỗ trợ cho phát triển điện gió và nhiên liệu sinh học. Lĩnh vực điện mặt trời chưa có chính sách hỗ trợ đầu tư, chính sách bù giá, cơ chế bán điện từ điện mặt trời lên lưới điện quốc gia. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến vấn đề nối lưới điện…cũng chưa có nên việc thu hút đầu tư ở quy mô lớn là rất khó. Đứng trước những khó khăn và thách thức đó, năm 2015, Sở Khoa học và Công nghệ Tp.HCM đồng ý cho phép triển khai “Chương trình thí điểm xây dựng cơ chế hỗ trợ đầu tư điện mặt trờitrên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”. Đối tượng nhận hỗ trợ là doanh nghiệp, hộ gia đình và cơ quan ban ngành. Trong đó, cơ quan ban ngành sẽ được lắp đặt một hệ thống điện mặt trời nối lưới 20kWp. Đối với doanh nghiệp và hộ gia đình sẽ hỗ trợ bằng cách mua lại lượng điện hòa lưới với giá là 2.000đ/kWh.
Đến nay, Chương trình nhận được tín hiệu rất tốt từ xã hội, nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình đã lắp xong hệ thống và đang chờ hỗ trợ trong năm 2016. Chương trình đã giúp cho nhiều doanh nghiệp và gia đình manh nha lắp đặt, sử dụng điện năng lượng mặt trời. Tuy nhiên vì chương trình của chúng ta là chương trình hằng năm, chưa có chương trình dài hạn nên cũng khó để phát triển mạnh mẽ lĩnh vực này.