Tờ The Wall Street Journal cũng cho biết Peabody là trường hợp mới nhất trong làn sóng phá sản đang diễn ra trong ngành than của Mỹ. Trước đó, các công ty than khác như Arch Coal, Alpha Natural Resources, Patriot Coal và Walter Energy cũng đã lần lượt đệ đơn xin phá sản.
Trong tuyên bố xin phá sản, Peabody Energy cho biết đang gánh khoản nợ 10,1 tỉ đô la Mỹ.
Ông Glenn Kellow, Giám đốc điều hành của Peabody Energy nói: “Đây là một quyết định khó khăn nhưng là hướng đi đúng để tiến lên phía trước đối với Peabody Energy. Quá trình này (xin phá sản) cho phép chúng tôi củng cố thanh khoản và giảm nợ”.
Chương 11 của luật phá sản Mỹ là con đường giúp một doanh nghiệp trì hoãn việc trả nợ trong khi thiết kế và thực thi kế hoạch tái cơ cấu. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu việc phá sản này có khiến Peabody chối bỏ trách nhiệm làm sạch và trả lại nguyên trạng đất của các khu mỏ hay không.
Theo hãng tin Bloomberg, giá than sử dụng cho các lò luyện kim đã giảm 75% so với mức đỉnh vào năm 2011. Peabody Energy đã phạm phải sai lầm đau đớn khi bỏ ra 5,1 tỉ đô la Mỹ vào năm này để thâu tóm Công ty than MacArthur Coal Ltd (Úc) với tham vọng mở rộng doanh thu nhờ triển vọng bán than cho các nhà máy thép ở Trung Quốc. Vụ thâu tóm khiến Peabody Energy lâm vào gánh nặng nợ nần.
Các công ty than như Peabody Energy đóng vai trò quan trọng đối với sản xuất điện ở Mỹ với khoảng gần 30% mạng lưới điện ở Mỹ còn phụ thuộc vào than. Tuy nhiên, ngành công nghiệp khai thác than đang vật lộn với nhiều thách thức gồm các khoản nợ lớn, giá năng lượng thấp, các quy định môi trường chặt chẽ hơn, sản xuất thép suy giảm và nhiều nhà máy nhiệt điện chuyển sang sử dụng khí đốt thay vì than.
Sản lượng than của Mỹ chạm mức đỉnh 1,17 tỉ tấn vào năm 2008. Trong những năm gần đây, sản lượng than của Mỹ đang trên đà giảm và có thể giảm về mức 752,5 triệu tấn trong năm 2016, theo dự báo của Cục Thông tin Năng lượng Mỹ.
Riêng năm 2014, có tới 26 công ty than của Mỹ đã bị phá sản và hơn 264 mỏ than bị đóng cửa.
Câu hỏi cho than Việt Nam
Theo báo Dân Trí điện tử, từ đầu năm 2016 đến nay, TKV chưa xuất khẩu một tấn than nào do vẫn đang chờ chỉ đạo của Chính phủ về việc cho phép tiếp tục xuất khẩu than.
Trước đó, trong năm 2015, TKV xuất khẩu 1,2 triệu tấn chủ yếu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia và các nước Tây Âu. Cũng trong năm này, TKV nhập khẩu 460 nghìn tấn than các loại từ Nam Phi, Úc và Nga để cung cấp cho các đơn vị chế biến kinh doanh than trong Tập đoàn để tiêu thụ và pha trộn với than trong nước cấp cho các hộ sử dụng.
Dự báo về tình hình sử dụng than trong nước, TKV cho biết, theo Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt, năm 2016 than thương phẩm đạt 41 – 44 triệu tấn và dự kiến đến năm 2020 đạt 47 – 50 triệu tấn; năm 2025 đạt 51 – 54 triệu tấn và 55 – 57 triệu tấn vào năm 2030.
Hiện nay, các nhà máy nhiệt điện trong nước chủ yếu sử dụng than antraxit Việt Nam. Tuy nhiên, với nhu cầu than tăng mạnh của các nhà máy nhiệt điện, nguồn than này trong nước không đủ để cung ứng nên các nhà máy nhiệt điện xây dựng theo quy hoạch phải chuyển sang sử dụng than nhập khẩu (Vĩnh Tân, Duyên Hải 3 mở rộng…).
Theo dự báo về nhu cầu sử dụng than trong nước năm 2016 là 47,5 triệu tấn, năm 2020 là 86,5 triệu tấn, năm 2025 là 121,5 triệu tấn và năm 2030 là 156,6 triệu tấn. Theo đó, khối lượng than nhập khẩu phải tương ứng với sản lượng thiếu hụt nêu trên. Cụ thể, năm 2016 là 6,5 triệu tấn, năm 2020 là 36,4 triệu tấn, năm 2025 là 67 triệu tấn và năm 2030 gần 100 triệu tấn.
“Trên cơ sở nhu cầu và khả năng sản xuất trong nước, TKV đã xây dựng kế hoạch nhập khẩu than giai đoạn từ năm 2016 – 2020 như sau: Năm 2016 nhập khẩu 2 triệu tấn, năm 2017 nhập 5 – 6 triệu tấn, năm 2018 nhập 10 – 15 triệu tấn, năm 2019 nhập 15 – 18 triệu tấn và năm 2020 nhập 18 – 20 triệu tấn”, báo cáo cho biết.