Phần 2. Tổng hợp ý kiến đánh giá quyết định 11/2017/QĐ-TTg về Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời

Nội dung dưới đây do Solar Hub và Baker Mckenzie tổng hợp. DEVI chia sẻ lại để cung cấp thêm thông tin cho những nhà làm chính sách và những người quan tâm. Bản gốc của tài liệu, vui lòng xem bản tiếng Việt, English version

BẢNG TỔNG HỢP Ý KIẾN ĐÁNH GIÁ 
QUYẾT ĐỊNH SỐ 11/2017/QĐ-TTg CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ (“Quyết Định 11”) 
VỀ CƠ CHẾ KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN CÁC DỰ ÁN ĐIỆN MẶT TRỜI TẠI VIỆT NAM

Chương II – Quy hoạch và đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời


13. Điều 5.5 “Bộ Công Thương quy định cụ thể nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch phát triển điện mặt trời.”


Cho đến nay, chưa có dự thảo thông tư điều chỉnh vấn đề này được soạn, công bố hoặc cung cấp để rà soát và đánh giá. Tuy nhiên, có lẽ BCT sẽ soạn thảo một thông tư tương tự như các thông tư hiện có đối với điện gió và điện sinh khối (cụ thể là Thông tư số 06/2013/TT-BCT đối với điện gió và Thông tú số 29/2015/TT-BCT đối với điện sinh khối). Để thu hút hơn việc đầu tư, quy trình lập quy hoạch và phê duyệt nên được đơn giản hóa để giảm thiểu thời gian và các chi phí liên quan, đặc biệt là trong giai đoạn chuẩn bị phát triển ban đầu.

14. Điều 7.1 “Việc đầu tư xây dựng dự án nối lưới phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.”


Trên thực tế, nếu tỉnh có liên quan chưa có quy hoạch phát triển điện mặt trời và dự án được đề xuất chưa được bổ sung đưa vào quy hoạch phát triển điện có liên quan thì nhà đầu tư/nhà phát triển phải tiến hành thủ tục đề nghị bổ sung dự án được đề xuất vào các quy hoạch phát triển điện có liên quan. Cho mục đích này, nhà phát triển / nhà đầu tư có thể cần phải lập nghiên cứu tiền khả thi.

Trên thực tế, quá trình này thường rất mất thời gian và thủ tục chi tiết chưa được quy định cụ thể cho điện mặt trời (vẫn đang chờ ban hành thông tư hướng dẫn như đã nêu tại Điều 5.5).

Vì vậy, các thông tư hướng dẫn thi hành của BCT nên đơn giản hóa quy trình hành chính này. Ngoài những vấn đề khác, không nên đặt nặng việc là liệu quy hoạch của một vùng cụ thể có quy hoạch về điện mặt trời hay điện tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch không; nếu quy hoạch cho phép một loại điện cụ thể, thì cũng nên cho phép các loại khác. Những quan ngại về tính sẵn có của một loại nguồn điện cụ thể so với những loại nguồn khác (vd, điện mặt trời khi vào ban đêm) nên được giải quyết trong quá trình đàm phán hợp đồng mua bán điện dựa trên nhu cầu của từng vùng địa phương.

15. Điều 7.2 “Việc đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường và các quy định liên quan khác.” 

Việc sử dụng từ ngữ “các dự án điện mặt trời” có thể có nghĩa là áp dụng quy định này đối với tất cả các dự án nối lưới, không nối lưới và trên mái nhà. Tuy nhiên, từng loại dự án có thể chịu sự điều chỉnh theo các yêu cầu kỹ thuật khác nhau của pháp luật có liên quan. Đối với các dự án nhà máy điện mặt trời nối lưới lắp đặt trên mặt đất quy mô lớn (utility-scale), Luật Doanh nghiệp và Luật Đất đai cũng sẽ được áp dụng. Mặc dù nói chung việc sử dụng cụm từ “các quy định liên quan khác” có thể được chấp nhận, sẽ có ý nghĩa hơn cho việc áp dụng nếu các văn bản hướng dẫn thi hành tới đây làm rõ hơn yêu cầu về nội dung này đối các loại dự án khác nhau

16. Điều 7.5 “Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng dự án điện mặt trời có trách nhiệm lắp đặt các thiết bị điện mặt trời phải bảo đảm an toàn về kết cấu, an toàn về công trình theo các quy định hiện hành.”


Quy định này có thể điều chỉnh cả các nhà đầu tư và các nhà thầu. Các thông tư hướng dẫn thi hành tới đây nên cân nhắc có các quy định riêng dành cho nhà đầu tư/nhà phát triển và quy định riêng dành cho nhà thầu, nhằm bảo đảm tính rõ ràng và thuận tiện áp dụng trên thực tế.

17. Điều 7.6 “6. Việc đầu tư xây dựng dự án trên mái nhà phải đáp ứng các yêu cầu sau: a) Mái nhà hoặc kết cấu công trình xây dựng được gắn các tấm pin năng lượng mặt trời phải chịu được tải trọng và kết cấu của các tấm pin năng lượng mặt trời và các phụ kiện kèm theo. b) Bảo đảm các quy định an toàn về điện theo quy định của pháp luật c) Bảo đảm giữ gìn cảnh quan và môi trường xung
quanh.” 

Khoản 6 Điều 7 này chỉ áp dụng cho các dự án trên mái nhà. Tuy nhiên, không hoàn toàn rõ ràng là liệu các dự án trên mái nhà có vẫn phải tuân thủ các yêu cầu khác quy định tại các Khoản từ 1 đến 5 của Điều 7 này hay không. Các thông tư hướng dẫn thi hành tới đây nên làm rõ hơn để việc giải thích và áp dụng được thống nhất.

18. Điều 8. “1. Bên bán điện chịu trách nhiệm đầu tư, vận hành và
bảo dưỡng đường dây và trạm biến áp tăng áp (nếu có)
từ nhà máy điện của Bên bán điện tới điểm đấu nối với
lưới điện của Bên mua điện.
2. Điểm đấu nối do Bên bán điện và Bên mua điện thỏa
thuận theo nguyên tắc là điểm đấu nối gần nhất vào lưới
điện hiện có của Bên mua điện, đảm bảo truyền tải công
suất nhà máy điện của Bên bán điện, phù hợp với quy
hoạch phát triển điện lực được duyệt. Trường hợp điểm
đấu nối khác với điểm đặt thiết bị đo đếm, Bên bán điện
chịu phần tổn thất điện năng trên đường dây đấu nối và
tổn thất máy biến áp tăng áp của nhà máy. Bộ Công
Thương quy định cụ thể phương pháp tính toán tổn thất
trên đường dây đấu nối.”



Các chi phí đấu nối vào lưới điện có thể đóng vai trò then chốt cho tính khả
thi của dự án. Đối với các dự án nhỏ, chi phí đấu nối vào lưới điện có thể
chiếm một phần đáng kể trong tổng chi phí của dự án. Các dự án có quy
mô nhỏ hơn có thể cần phải được đặt cạnh các đường dây truyền tải hiện
hữu. Các dự án lớn hơn cần phải cân bằng giữa chi phí thuê hay sử dụng
đất rẻ hơn tại các khu vực tương đối thưa dân cư với chi phí tăng thêm để
lắp đặt đường dây truyền tải qua quãng đường/khoảng cách dài hơn. Tuy
nhiên, Quyết Định 11 áp đặt trách nhiệm lên bên phát triển dự án/bên bán
điện, mà không có cơ chế chia sẻ chi phí và rủi ro một cách hợp lý.
Các thông tư / văn bản hướng dẫn thi hành tới đây nên quy định về việc
phân bổ rủi ro và chi phí đấu nối vào lưới điện, ví dụ như phân bổ dựa trên
công suất của dự án và khoảng cách tới các đường dây/lưới điện truyền tải
hiện có. Các văn bản hướng dẫn thi hành cũng cần tính đến việc cân đối
giữa tiền thuê đất và chi phí sử dụng rẻ hơn tại vùng sâu, vùng xa, với chi
phí tăng hơn khi vận hành lưới điện truyền tải qua những khoảng cách xa
hơn. Ngoài ra, theo Điều 13.1(c), BCT được giao trách nhiệm ban hành quy
định về phương pháp tính toán tổn thất trên đường dây đấu nối, nhưng quy
định đó vẫn chưa được soạn thảo, công bố hoặc cung cấp để rà soát và đánh
giá.

Xem lại phần I, Xem tiếp Phần III

Để lại một bình luận